Thanh Bùi nói về vợ Trương Huệ Vân: "Tôi cảm nhận hết nỗi đau"
Tôi chấp nhận sự thật
Chia sẻ trong talk show của Nguyên Khang, Thanh Bùi cho biết đây là thời điểm phù hợp để anh dần quay lại với khán giả. Thanh Bùi phân trần không phải anh không xuất hiện, vì trước đó anh chưa có lý do và câu chuyện mới để chia sẻ. Anh không còn cảm xúc để nói về câu chuyện của Tình về nơi đâu hay Lặng thầm một tình yêu nữa.
Về biến cố sau khi vợ vướng vòng lao lý, Thanh Bùi cho biết anh không gặp bất cứ áp lực nào từ xung quanh.
“Suốt thời gian qua, tôi cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà mọi người dành cho mình. Khi gặp gỡ, bạn bè, người thân đều nói: ‘Chia sẻ với Thanh nhé’. Thực sự, không ai có lời nói hay thái độ nào tiêu cực. Cảm nhận được điều đó, tôi tự nhủ mình cứ sống thật, nói thật, cứ là chính mình thì mọi việc dần dần sẽ ổn”, Thanh Bùi bày tỏ.
Theo Thanh Bùi, cách để vượt qua biến cố nhanh nhất là chấp nhận mọi thứ đang diễn ra.
“Khi mình chấp nhận, mình cảm nhận hết nỗi đau, sự khó khăn, cảm được con đường vất vả đến mức nào. Mình sẽ có lựa chọn: đi con đường dễ dàng hoặc đi con đường đúng nhưng khó khăn”, anh nói.
Một lần, anh sang nước ngoài và nhận được câu hỏi: “Bạn có biết những câu chuyện đang xảy ra ở Việt Nam không?”. Anh nói: “Tôi biết chứ”. Thanh Bùi cho rằng câu chuyện của gia đình mình đã đi toàn cầu rồi.
“Qua thử thách tôi mới thực sự hiểu mình như thế nào. Thử thách đó cho thấy mình có thực sự vững trong tư duy, suy nghĩ hay không. Tình yêu thương của người mẹ dành cho con, tôi không thể thay thế được. Tôi chỉ cố gắng tạo ra môi trường để con hoạt động, chung sống. Tôi nghĩ hai con đã có cuộc sống may mắn nhất có thể trong tình huống này. Tôi tin qua khó khăn, trải nghiệm, sẽ tạo ra hai người vô cùng sâu sắc. Đây là thử thách rất lớn và tôi chọn đi tiếp trên con đường này, từng bước một”, anh nói thêm.
Vợ nhạc sĩ Thanh Bùi là doanh nhân Trương Huệ Vân , cháu ruột bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Từ năm 2022, cô bị Tòa án Nhân dân TP HCM xét xử liên quan sai phạm trong kinh doanh.
"Tôi không hối hận"
Trong cuộc trò chuyện, Thanh Bùi chia sẻ về 8 năm gián đoạn hoạt động nghệ thuật.
“Năm 2016, tôi ngồi cạnh nhóm nhạc Hàn Quốc BTS ở lễ trao giải Grammy, đó là ước mơ được ngồi chung khán phòng với tất cả idol của mình. Khi ấy các con tôi mới chỉ vài tháng tuổi. Tôi thực sự phải lựa chọn giữa làm cha và tiếp tục sự nghiệp âm nhạc. Nếu theo đuổi ước mơ, tôi phải ra ngoài liên tục trong thời gian dài, không phù hợp với hoàn cảnh của mình lúc đó. Tôi quyết định tạm dừng để làm tròn trách nhiệm của người cha. Dù gì tôi đã theo nghề từ năm 17 tuổi. Tôi không hối hận. Hiện tôi mới 41 tuổi, tôi có thể trở lại với âm nhạc thời gian sau”, Thanh Bùi nói.
Thanh Bùi cho biết anh đã về Việt Nam được 14 năm, chứng kiến sự thay đổi như vũ bão trong thị trường âm nhạc. Anh cảm thấy ấm lòng khi nhắc về giai đoạn anh là nghệ sĩ, được đứng trên sân khấu biểu diễn.
“Tôi không bao quên được cảm giác lo ngại về khả năng nói tiếng Việt để giao lưu với khán giả trên sân khấu. Nhất là sau chương trình The Voice Kids, tôi nhận được nhiều tình yêu thương của mọi người từ chị bán bánh bò đến anh lái taxi. Tôi luôn ghi nhớ”, anh nói.
Theo Thanh Bùi, một ngày bình thường của anh hiện tại là đưa đón con đi học rồi quay trở lại công việc quản lý trường học và xây dựng hệ thống sinh thái trong hệ thống giáo dục của mình.
Thời điểm này, Thanh Bùi tập trung gần như toàn bộ thời gian cho giáo dục. Ngoài ra, anh hoạt động nghệ thuật thông qua công ty quản lý nghệ sĩ.
“Nghệ sĩ hiện nay rất khác so với các thế hệ trước. Họ tự viết nhạc, sản xuất nhạc, hát tiếng Anh rất tốt và tư duy âm nhạc rõ nét, có chiều sâu. Tôi thấy ước mơ của mình về việc mang nghệ thuật nước ngoài về Việt Nam và mang Việt Nam ra thế giới đang có sự phát triển mạnh mẽ nhưng còn rất dài”, anh nhận xét.
Nói thêm về quyết định xây dựng hệ thống giáo dục với định hướng riêng, Thanh Bùi cho biết xuất phát từ chính câu chuyện của mình, đặc biệt sau khi cặp song sinh được chẩn đoán mắc phổ tự kỷ.
Anh chia sẻ bản thân và một số chuyên gia giáo dục kiên nhẫn từng bước để các con vượt qua. Từ đó, anh mong muốn góp sức đào tạo và thúc đẩy phát triển toàn diện các nhân tố trẻ, đặc biệt với trẻ tự kỷ.
“Tôi không nghĩ mình làm việc gì lớn lao, mục tiêu của tôi đơn giản là muốn thấy các con có cơ hội được xã hội nhìn nhận bình thường, xóa bỏ hết phân biệt. Nếu ngày mai tôi không thức dậy nữa hoặc chỉ còn vài hơi thở, tôi có thể nói với bản thân rằng mình đã sống hết lòng và may mắn theo đuổi đam mê. Nếu hỏi tôi yêu thích ngành nào nhất, đó chính là giáo dục”, anh nhấn mạnh.
No comments